Cúng dường công đức với Bồ Đề Tâm giống như nhỏ một giọt nước vào biển, chừng nào biển còn hiện hữu thì giọt nước vẫn còn hiện hữu.
Cúng dường với Bồ Đề Tâm
HÃY CÚNG DƯỜNG với lời cầu nguyện rằng, bằng việc nghe từng chữ của luận giảng này bạn có khả năng chứng ngộ ngay tức thì, toàn bộ đường đạo đến giác ngộ, đặc biệt là Bồ đề tâm. Hãy cầu nguyện rằng, mỗi chữ trong các lời dạy này có khả năng điều phục ngay lập tức tâm của tất cả chúng sinh hữu tình, cầu nguyện rằng toàn bộ con đường đạo đưa đến giác ngộ nhất là bồ đề tâm sẽ nảy sinh trong tâm của họ.
Trong Bồ tát hạnh Ngài Shantideva, vị Bồ tát vĩ đại, đã nói:
Tất cả các phước đức khác thì giống như cây chuối. Khi quả chín thì cây tàn lụi. Nhưng chỉ có cây Bồ Đề Tâm cho quả không bao giờ ngưng.
Cúng dường công đức để chỉ mong đạt hạnh phúc các đời sau hay giải thoát cho riêng mình thì chẳng đáng kể nếu so sánh với việc cúng dường công đức cầu mong giác ngộ với bồ đề tâm. Việc cúng dường công đức với bồ đề tâm cũng giống như nhỏ giọt nước vào biển. Chừng nào biển còn hiện hữu thì giọt nước vẫn còn. Khi chúng ta cúng dường với bồ đề tâm thì dù công đức nhỏ hay lớn, nó vẫn không thể cạn kiệt. Chúng ta không ngừng hưởng kết quả của công đức cho đến khi đạt giác ngộ. Và thông qua công đức này, sau khi chúng ta đạt giác ngộ, đến lượt chúng ta có thể từng bước dẫn dắt chúng sanh đến giác ngộ.
Chúng ta phải cúng dường cho sự phát triển bồ đề tâm. Đây là lý do tại sao vào cuối thời khoá giảng, chúng ta đều tụng :
“jang- chub sem- chog rin-po-che
ma- kye- pa- nam kye- gyur- chig
kye- pa nyam- pa me- pa- yang
gong- ne gong- du pel- war shog”
Nguyện cho Bồ Đề Tâm,
Bây giờ chưa phát triển,
Sẽ nảy sinh lớn mạnh,
Không bao giờ thoái chuyển.
Thật quan trọng khi cúng dường để phát triển bồ đề tâm, nguồn gốc của mọi hạnh phúc cho bạn và cho chúng sinh. Và năng lực cầu nguyện là một trong năm năng lực của tu tập. Bồ đề tâm là cửa ngõ đưa tới thành công, ngăn ngừa mọi điều không thích, và mang tới mọi điều ưa thích. Bồ đề tâm sẽ giúp hoàn thành ước muốn của bạn và của những người khác. Do đó rất quan trọng khi cúng dường với sự khẩn cầu phát sinh bồ đề tâm trong tâm của bạn và của tất cả chúng sinh hữu tình đồng thời làm tăng trưởng bồ đề tâm của những người đã có tâm đó rồi để không bao giờ thoái chuyển.
Cúng dường với tánh Không
Song song với việc cúng dường công đức với bồ đề tâm, bạn hãy cất giữ thật kỹ sự cúng dường với tánh Không bằng cách suy nghĩ rằng người cúng dường, hành động cúng dường và đối tượng được cúng dường, tất cả đều là không. Với cách thức này công đức sẽ không bị phá huỷ bởi sân hận hay những thiên vị thành kiến. Sân hận và thành kiến hay thiên vị không chỉ là nhân tái sinh vào các cõi thấp mà cũng còn làm trì hoãn việc đạt được các chứng ngộ trong nhiều đại kiếp.
Như Geshe Sopa Rinpoche đã nói rằng, công đức được xác lập bởi tánh Không thì sẽ không bị sân hận và ganh tị làm hư hại bởi vì sân hận và ganh tị nổi lên từ vô minh chấp có hiện hữu chắc thật, nhưng vô minh này đã bị loại trừ bởi trí huệ thấy biết tánh Không. Bởi vì trí huệ này loại trừ được gốc rễ của vọng tưởng và vô minh khư khư tin vào sự hiện hữu thật, cho nên công đức cúng dường sẽ không thể bị hư hại bởi sân hận và ganh tị nếu nó được xác lập bởi tánh Không .
Nếu bạn không có chút hiểu biết gì về tánh Không, về các duyên sinh vi diệu, ngài Pabongka Dechen Nyingpo khuyên rằng ít nhất bạn cũng nên nghĩ rằng bạn đang mơ, bạn đang cúng dường công đức trong mơ. Với cách này bạn sẽ không còn chấp coi cái tôi, công đức, chúng sinh hữu tình và sự giác ngộ như là hiện hữu chắc thật. Sự chấp bám này sẽ giảm bớt. Nhận biết mọi sự như thể trong mơ, kiểu cách này sẽ cung cấp cho bạn ý tưởng rằng đây này không phải cái tôi thật, một cái tôi hiện hữu tự tánh. Nó cho bạn một ý tưởng sơ khởi rằng toàn bộ những điều này là giả, rằng không có sự hiện hữu tự tánh. Cùng với sự tỉnh thức này, hãy cúng dường công đức.
Mặt khác nếu bạn có được hiểu biết nào đó về tánh Không, bạn hãy nhớ đến thực tại vi diệu về cách thức mọi sự hiện hữu. Hãy nhớ rằng cái tôi - người cúng dường, đích thị là gán đặt là giả danh, giác ngộ là đích thị gán đặt giả danh, chúng sinh hữu tình mà chúng ta cúng dường cho, cũng đích thị gán đặt giả danh. Khi bạn nghĩ tới giác ngộ, sự hiểu biết trong lòng bạn phải là: chẳng qua chỉ là cái đích thị được gán đặt giả danh. Và cái mà nó mang lại quả của hạnh phúc, chúng ta gọi nó là “công đức”, cũng đích thị được gán đặt giả danh. Do đó tất cả những điều này: cái tôi, hành động cúng dường, công đức, giác ngộ đều hoàn toàn là không.
Với sự tỉnh thức vi diệu này, nhìn thấy mọi sự đều hoàn toàn là không, và với tâm bồ đề bạn hãy cúng dường công đức khi đã lắng nghe những lời giảng dạy này.
Trích từ tác phẩm "Cánh cửa mạn nguyện" của Lama Zopa Rinpoche
Việt ngữ: Nguyễn văn Điểu